Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Tiền bùa và tiền chúc nguyện

Trong phong tục Á Đông, những đồng tiền có thể sử dụng thành những bùa. Trong cuốn biên khảo Chinese Currency _ Currency of the Far East (1965), tác giả Federich Schjoth phân biệt đại loại hai tiền bùa;

_ Loại thứ nhất là loại tiền vốn được thông dụng tiêu xài nhưng được trở thành bùa để đeo ( Chinese Coins turned into Charms).

_ Loại thứ hai là loại Tiền Bùa vốn đúc ra để đeo như bùa, đương nhiên không thể dùng tiêu xài ( Chinese Charms or Amulets)

TIỀN BÙA
Đâu là những lý do người ta dùng đồng tiền làm bùa đeo?

1) Những đồng tiền thực sự biến ra bùa là do người ta tin tưởng. Bùa nói chung là một tín vật của một quyền lực ban ra cho một người như là một sự bảo đảm được phòng vệ hay một lợi ích. Hiểu như vậy, tiền tệ của một nước chính là “tín vật” của chính quyền hay nhà vua phát hành cho nhân dân tiêu dùng. (Tiền nói chung gồm 2 loại : tiền giấy tức là sao phiếu, còn tiền bằng kim khí là tệ, còn bây giờ thẻ Credit card là thẻ tín dụng vậy ). Tự bản chất, những đồng tiền thông thường vốn là những “tín vật” lưu hành cho dân chúng trong xứ trong một thời đại nào đễ làm việc thương mãi , mậu dịch với nhau.

2) Sỡ dĩ những đồng tiền dễ dàng trở thành những thứ “bùa” hơn là tiền giấy vì chúng nguyên thủy làm bằng những vỏ sò rồi sau bằng kim khí, đại đa số bằng đồng nên mới có tên “Đồng tiền” rất tiện cho sự xỏ dây vào lỗ để đeo vào cổ. Với hình thể, tượng hình cạnh ngoài tròn, lỗ trong vuông ( nội phương ngoại viên) đồng tiền tượng trưng cho sự huyền bí của trời đất hay nguyên lý khởi thủy âm dương của vũ trụ.

3) Một lý do khác là chất kim khí vốn kỵ tà ma nhưng sự tin tưởng của người dân đi ra ngoài đêm tối thì trong tay cầm một miếng sắt thì ma quỉ không quấy phá.

4) Một lý do càng quan trọng khác là tiền do nhà vua đúc với những niên hiệu. Trong một nước, quyền hành “thế thiên hành đạo” của nhà vua là tối thương: Nhà vua cai quản người dân và tất cả thần linh hạ giới trong cương vực gia sơn của ông.

5) Cuối cùng, những niên hiệu bằng chữ Nho in trên vốn là một thứ “linh tự” mà người dân phải trân quí. Người Tàu và các dân đồng văn như Việt Nam, Nhật bản và Triều tiên rất kính trọng thứ “linh tự” và những Hà đồ, Lạc thư sáng chế do những bậc Thánh quân thời thượng cổ và những Nho hiền về sau. Có truyện kể một nho sinh gan dạ bị quỉ dữ hiện lên lè lưỡi dài để nhát lúc anh ngồi học ở án thư. Anh bèn lẹ tay lấy bút long viết giòng chữ nho trên lưỡi nó, khiến nó không thể biến được bèn khóc lóc xin tha. .“ Đức trọng quỉ thần kinh” do cái uy đức của các thánh hiền, giòng chữ Nho đã có công lực làm kính sợ quỉ ma.
Chữ Nho thường được viết theo nhiều kiểu thứ như Chân, Khải, Lệ, Hành, Thảo, Triện…Riêng chữ Triện là chữ tối cổ được khắc trên những di chỉ như mảnh xương, mu rùa, đồ sự khí bằng đồng. Chữ Triện được coi như là những thứ “linh tự” có uy lực như bùa phép . Do đó, người Tàu ngày Tết thường treo trong nhà những bức tranh ( gọi là “ đồ-phù”) viết bằng loại chữ Đại Triện để cầu may chúc phước như “ Bách Phúc đồ”, “Bách Thọ đồ”, “Bách Lộc đồ” gồm đủ 100 kiểu triện tự về ba chữ Phúc, Lộc, Thọ”’
Về sau, các pháp sư, đạo sĩ lại sáng chết ra những loại “chữ bùa” (phù thư) viết ngoằn ngoèo quấn quít tùy theo cảm hứng hay linh cãm của người viết khi múa ngọn bút lông trên mặt lụa hay vải. Người thường không ai đọc nổi những chữ bùa vì tin rằng chữ này là do thần linh mạc khải cho các đạo sĩ. Lại có một loại chữ càng khó đọc gọi là Vân tự, nét uốn éo dịu dàng như những giải mây bàng bạc vắn lên lưng trời.. Ngoài ra, khi cầu cơ, thường có một nia gạo và một cái cần cơ đầu gắn ngọn bút được treo vào một sợi gây, để người ta cầm ghi lại những thông điệp hay chỉ thị từ những linh hồn cõi âm. Đọc được những chữ do cầu cơ linh ứng rất khó, người ghi phải vừa lẹ mắt, vừa lanh tay, vừa phỏng đoán.

Tiền Gia Quan Tiến Lộc

Các đồng tiền 12 con giáp

Mề đay Bùa soi lỗ
A - Tìm hiểu về tục những đồng cổ tiền biến thành bùa

1) Tiền bùa tại Trung Quốc

Ai cũng nghĩ rằng đồng tiền Trung hoa đầu tiên phải có hình tròn với lỗ vuông ở giữa như ta thường thấy. Kỳ thực, theo lịch sử cồ tiền, những tiền xưa lần lượt thay đổi với những hình dáng khác nhau với những tên theo đó mà gọi khác. Coi hình sao chụp ta thấy tiền :

_ về hình thể có thể giống như cái thuổng, như lưỡi dao, cán dài, cán cụt, đầu tròn, đầu vuông

_ về tên gọi thì lúc gọi là bố, lúc thì là pháp,lúc gọi là tiền …

Chữ Tiền là chữ thông dụng sau cùng được viết với bộ Kim ghép với chữ Thiển ( miếng kim khí mỏng). Tiền bằng đồng bắt đầu có vào đời Khổng tử, tiền bằng có vào đời Đường. Ý nghĩa của cạnh ngoài tròn và lỗ vuông ở giữa tượng trưng cho người quân tử với tấm lòng bên trong ngay thắng, nhưng xử thế bên ngoài thì nhu hòa, không gây xô sát.

Một xâu tiền gồm 100 đồng được xỏ giây, 10 xâu gọi là điếu hay quan hay quán. Do đó có tên “ tiền điếu” trong tiếng Việt, và trong các chữ nho về tiền điếu , ta thấy có chữ Khẩu hình vuông và hình sợi giây xỏ

Về loại tiền ở Trung quốc có những đồng tiền xưa mà người đời sau tìm kiếm để đeo làm bùa. Nhưng chỉ có đồng Ngũ Thù đúc vào đời nhà Hán (206 trước CN đến năm 25 của CN) là xưa và cực kỳ hiếm, ngó rất đẹp mắt và người tin rằng đeo nó rất hên nên người ta về sau bèn nhái lại kiểu và làm bằng vàng hay bạc, hay cẩm thạch.

. Các tiền thật xưa kiếm lại đeo như bùa kể ra không nhiều. Theo ông Federich Schjoth, trong Chinese Currency: Currency of the Far East 1965, đồng tiền xưa nhất được vẽ kiểu lại là đồng Đại Nguyên Ngũ Thập đúc đời Vương Mãng ( từ năm 7 đến năm 22 trước CN) : mặt phải in chữ triện 4 chữ Đại Nguyên Ngũ Thập, mặt trái in chữ Đoàn Viên) Trên lỗ tiền có hình mây, dưới có hình Thỏ , Ruà Rắn.

Những đồng tiền ở các thời đại sau được người sưu tầm làm tiền bùa thì rải rác thuộc các đời Đường, Tống, Minh, Thanh với những chi tiết đặc điểm chuyên môn cho người sưu tập mà thôi. Đồng tiền vào đời Đường và Tống được người tin chuộng dùng làm bùa hên, nhưng hiện nay bị đúc giả mạo bán nhan nhản ở những quán lề đường.

Những Đồng tiền vào đời vua Khang hi và Thuận trị đời Thanh mặt trước thì đúc niên hiệu như Khang hi thông bảo, nhưng ở mặt sau đúc với chữ Mãn Thanh tùy theo tỉnh với đủ câu chúc phước ghép lại thành vần, nên người ta tin rằng phối hợp lại mà xỏ giây đeo thì thành một cái bùa tốt quí. Đồng tiền Kiền Long và Gia Tĩnh đúc rất tinh xảo nên rất được chuộng.

Những tiền xưa được cho là có công hiệu tỵ tà nên người Tầu thường kết lại thành những xâu dài giống như cây kiếm, các ngân hàng hay quầy trả tiền ở thương xá lớn ở các phố Tầu hay treo “kiếm tiền” làm bùa phong thủy để ngừa đạo tặc.

Phần lớn các tiền xưa thời đại khác, vào mặt trái thường in hình kiếm, rùa, rắn, chòm sao Bắc Đẩu hoặc hình một vị Tướng quân hoặc hình Long Phương, hình Đạo sĩ cầm phất trần. Những tiền đúc vào dịp sinh nhật của nhà vua lại càng quí vì những chữ chúc phúc in ở mặt sau như Phúc Khang Song Toàn, Vạn Thọ Vô Cương …

Phong tục coi tiền là những vật đem lại hên hay khước may có từ thuở nào không ai rõ. Duy trong sách Tiền Khâm Định Lục, có nói lại sự tích vua Đường Duệ Tông ra lện đúc những đồng tiền vàng và bạc để mừng đám cưới con gái của ông. Đêm tân hôn, tiền được tung vào mùng của giường tân nương và tân lang gọi là Tát Trướng Tiền (Tiền tung Mùng cưới). Tục tung tiền này bắt nguồn vào dịp Hán Vũ Đế kết hôn với nàng Lý Phu Nhân, các cung tần mỹ nữ tung nhiều hoa trái vào giường tân hôn để vua và giai nhân đón hứng với vạt áo của mình, càng hứng được nhiều thì càng lắm con, lắm phước !

Tiền cho để lấy khước cùng là ý nghĩa về sau cho tục Tiền Lì xì (Lợi Thị), tiền mua may bán đắt, tiền mừng tuổi.

Hình ảnh đồng tiền xuất hiện như là một trong tám món báu ( Bát Bửu) cổ truyền như Hạt châu, Tiền vàng, Hình thoi, Khánh đá, Sừng tê giác, Gương soi, Cuốn sách, Ngọn lá.

Đồng tiền ngày xưa có lúc được đúc dưới hình một tấm ngọc bích có soi lỗ tròn ở giữa gọi là Bích dùng là biểu hiệu cho mỗi tước vị, ví dụ như có 5 tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam ( Vị quan có tước Tử thì cầm Cốc Bích, tước Nam cầm Bồ Bích …)

2) Tiền bùa tại các xứ đồng văn với Trung Hoa

Theo khảo sát của tôi, tục đúc các đồng tiền thông hành được người dân đeo làm bùa lan tràn đến nhiều xứ Á Đông như Đại Hàn, Nhật, Việt Nam…

_ Xứ Nhật cũng dùng Hán tự làm chuyển ngữ chính như Việt Nam, nhưng họ cũng sáng chế một loại chữ Hòa văn giống loại chữ Nôm Việt Nam. Họ đã có nhiều đồng tiền xưa dước niên hiệu của các triều vua cũ với những câu chúc phúc. Dưới đời Gemmyo (Nguyên Minh Thiên Hoàng ) năm 708- 714, nhiều thợ giỏi của Trung Hoa qua Phù tang dậy họ đúc những đồng tiến Hòa Đồng (Wa –dò) Khai bảo rất đẹp. Tuy nhiên, trong tinh thần chúc tụng ở Nhật có những tiền với câu chúc ý nghĩa tốt đẹp nhu Thái Bình, Long Bình, Phú Thọ.

Một sự kiện rất đáng chú ý là tinh thần tôn sùng Phật giáo, sự dùng đồng để đúc tượng Phật đã ảnh hưởng nhiều đến sự đúc tiền, chẳng hạn như vào năm 750, để đúc ngôi tượng Phật vĩ đại Daibutsu ( Đại Phật tự) ở Nara, người ta dùng đến 800.00- 900.000 cân đồng. Do đó, bao nhiêu tiền đồng trong xứ đều được cúng để đúc tượng, nên đồng trở nên khan hiếm khiến cho sự đúc tiền trong thời đại sau đó tức là thời vua Kwammu (782- 806) bị chậm trễ. Rồi sau đó, không có đồng tiền Nhật Bãn đúc trong vòng 600 năm (980- 1580), nên tiền đồng Trung quốc đương nhiên trở thành tiền thông dụng ở Nhật bàn.

_ Việt Nam: Hoàn cảnh cũng giống như ỡ các nước đồng văn chịu ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc nghĩa là dùng Hán tự làm chuyển ngữ chính, đương nhiên là hấp thụ tinh thần về tư tưởng, tôn giáo nghệ thuật cùng nhiều kỹ năng mỹ thuật của họ. Tuy nhiên, như sự ảnh hưởng dù theo chiều hướng nào đi nữa, ta cũng là ta, người vẫn là người, ãnh hưởng không bao giờ rập khuôn một cách nô lệ “cloning”vì sự du nhập về văn hóa trong xã hội loài người phải qua những quá trình ứng xử dị biệt tùy theo những điều kiện cục bộ của những bản địa thu nhận… Ta cứ coi lại tinh thần tuyên ngôn của Nguyễn Trải theo bài Bình Ngô đại cáo. Điều này nói cho cùng cũng áp dụng cho sự du nhập truyền đạt văn hóa và phong tục trong hoàn cảnh nội địa trong một nước với những sắc thái cục bộ tùy Bắc, Trung Nam …

Trở về quê hương chúng ta, có thể nói tài liệu biên khảo về toàn bộ kho sách Hán Nôm xưa rất là hạn hẹp và cực hiếm. Tài liệu về Đạo giáo phù lục nói chung về các loại bùa cũng như nói riêng về tục đeo tiền thì hầu như không có.

Sách viết về cổ tiền của VN bằng ngoại ngữ (Nhật, Pháp, Anh, Hán) cũng không nhiều, sưu tập tương đối công phu, đầy đủ và chuyên biệt nhất là của hai tác giả:

_ Albert Schoroeder với nhãn sách là Đại Nam Hóa Tệ đồ lục
_ Edward Tuda với cuốn Annam and Its Minor Currency.

Theo sự kê cứu của John A. Novak trong cuốn A Working Aid for Collectors of Annamese Coins (1989), ông kể ra cả thẩy 312 mặt tiền đồng mà dân chơi tiền có thể nhận diện được. Nhưng chúng ta không rõ dân Việt Nam ngày xưa dùng tiền làm bùa đeo bắt đầu từ hồi nào, chỉ phỏng đoán rằng sau khi dân mình bị Bắc thuộc nên bắt chước. Đồng tiền xưa nhất của ta, theo sữ ghi lại, là đồng Thái Bình hưng bảo (970-979). Rồi sau đó là loại tiền đồng để tiêu dùng của các triều đại Tiền Lên Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê và Nguyễn. Theo John A. Novak, các tiền xưa của Việt Nam ngày nay còn sót lại để lưu hành trong đám sưu tập có thề nói là…90% là giả. Họa may chỉ có dân sưu tập cổ tiền người Pháp là có tư cách nhận diện tiền thiệt, lý do là thực dân Pháp đã “vét sạch” của khi họ rời Việt Nam. ( The only people truly qualified to authenticate Annamese Coins are probably the French numismatists, who literally pick Vie6tnam clear before they left!) [ Chú thích: Chữ Annamese chỉ cho nước Việt Nam là chữ của Tây phương bắt đầu từ nhà Nguyễn thôi. Theo một tay chơi tiền Việt Nam, các tiệm bán tiền xưa ở Saigon đại đa số bán những đồng tiền giả đúc với các niên hiệu triều đại xu7aro62i đổ vào một hố nước tiểu trong một thời gian để lên mốc xanh, rồi đào lên bán cho dân ngoại quốc thu vô bộn tiền.

Theo Lê Quí Đôn sống vào đời Vua Lê Dụ Tông (1724- 1784) kề lại trong cuốn Vân Đải loại ngữ của ông rằng những đồng tiền thời Tiền Lê (984- 988) đã hiếm vào thời đại của ông rồi, huống hồ vào thời hiện kim của chúng ta nên khó mà mơ ước có đồng tiền đời Đinh Tiên Hoảng thứ thiệt. Theo Lê Quí Đôn, ông cũng nêu lên một điểu đặc biệt là tiền của Trung Quốc đã từng chạy qua Việt Nam từ xưa vì ông dựa vào cuốn sách Quảng Đông tân ngữ của Tàu đã ghi chép là : Ỡ Giao châu, cũng dùng tiền đời Tống, lấy 60 đồng làm một tiền; về sau tiền đời Minh và Thanh cũng có nhiều vì sự đô hộ và giao thông thương mãi.

Thành ra chúng ta có thể phỏng đoán rằng dân Việt bình dân cũng bắt chước tục đeo tiền làm bùa. Nhưng dứt khoát không theo đúng như người Tầu, có tiền đeo là quí lắm rồi làm sao mà đủ hiểu biết và phương tiện mà kén chọn này kia. Tôi còn nhớ ở Huế vào những thập niên đầu thế kỷ 20 qua, tục đeo tiền làm bùa rất thịnh hành, nhưng có gì gọi là “tiền” thì họ đeo từ những đồng tiền điếu xưa bất kể thời nào cho đến những đồng trinh, đồng xu, đồng nhôm hay chì của Ngân Hàng mới, họ đeo cặp chung với những khóa bạc, khánh bạc để cầu hên. Dân Hoa kiều ở Việt Nam thì sao? Tôi còn nhớ vào thập niên 60 trên lể đường Đồng Khánh ở Chợ Lớn có người bầy bán những đồng tiền Tầu xưa, 99% là tiền Mãn Thanh và các tiển xu đồng thời Dân quốc mới vào đầu thế kỷ 20 để cho nhiều người Tảu mua về đeo cầu phúc.

Ngày nay, có cô các bà Việt Nam không còn mang yếm nữa, do đó cái niềm yêu thương quyến rũ của người khác không còn cơ sở gợi hứng ở cái điểm” Năm thương cổ yếm đeo bùa” như thời kỳ cựu. Các món phục sức của phụ nữ dần dần mang tiếng chất về mỹ thuật thời trang nhiều hơn, và cái hàm ý cầu hên chúc phúc đã lắng sâu vào tiểm thức…

Còn nhớ câu cao dao:

Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Sư về sư ốm tương tư,
Ốm lăn, ốm lóc cho sư trọc đầu.

Không biết sư bị “lậm bùa” vì cái yếm thắm hay cái bùa đeo cổ yếm hay cái gì khác vân vân…, chứ thời nay hiện tượng ngó nữ trang của quí phụ nữ vẩn còn khối kẻ bị tương tư đấy. Danh từ “Charm” (charme) trong tiếng Mỹ hay Pháp chỉ cái lá bùa có ý nghĩa nguyên thủy là làm say đắm, mê muội say đắm, nên mới có tính từ : charming beauty ( vẻ đẹp hớp hồn)

B – Tìm hiểu về những đồng tiền chúc nguyện.

Loại Tiền Bùa này vốn đúc ra để đeo như bùa, đương nhiên không dùng lưu hành tiêu xài (Chinese Charms or Amulets) mà với mục đích chúc nguyện, trừ tà và trang sức cho người đeo. Trên những tiền này, không đúc chữ niên hiệu các đời vua thông hành, thông bảo, mà đúc các hình biểu tượng như hình các Tứ Linh Vật, hình Bát Bửu, hình 12 con Giáp, hình Bát Quái… Mỗi hình đều là một thông điệp đặc biệt bằng nét vẽ ẩn chứa một ý nghĩa tăng cường câu chúc phúc.

Chẳng hạn như Đồng tiền sau chúc phúc tặng cho một người mới được thăng quan tiến chức với những đặc điểm sau:

Trên tiền có câu: Gia Quan Tiến Lộc ( thêm quan tước và tăng tài lộc); kèm theo những hình sau: con khỉ, con nai nẳm gặm cỏ, nén bạc, sừng tê giác. Ý nghĩa giải như sau:

_ Khỉ chữ nho là Hầu (đồng âm với một trong năm tước quan cao quí là : Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.

_ Nai tức là chữ Lộc, nai nằm gặm cỏ tức là ăn Linh chi thảo để sống trường sinh bất lão

_ Nén bạc là Ngân

_ Sừng tê giác là vật quí mà các vua chúa dùng để tiện làm chén uống rượu vì có đặc tính là gặp thuốc độc hòa rượu thi chén rịn ra mồ hôi. Như vậy, nó là biểu tượng an toàn, không sợ ám hại.

Tóm lại đồng tiền Gia Quan Tiến Lộc chất chứa nhiều điều chúc nguyện tột đỉnh: giàu sang, phú quí, sống lâu, an toàn, khỏe mạnh.

Một đồng tiền khác ghi chữ : Khu Tà Tị Ác , cho trẻ đeo trừ bệnh tật, có khắc mặt sau những hình như sao bắc đẩu, con rùa, con rắn, cây kiếm. Ý nghĩa giải như sau:

_ Bắc đẩu là một chủm sao có 7 ngôi ở phía bắc cực.[ Về hình tượng thiên văn thì Bắc phương ứng với Huyền Vũ ( rùa đen) trong khi các phương khác thì Đông phương là Thanh Long ( rồng xanh), Tây phương là Bạch Hổ (cọp trắng), Nam phương là Chu Tước ( chim trĩ đỏ). Sao Bắc đẩu còn là vị thần giữ sổ Thiên Mệnh ở trên thiên đình, cùng với sao Nam Tào coi về sổ tử, hai vi đứng chầu hai bên ngôi Ngọc Hoàng thượng đế.

Như vậy đồng tiền bùa kể như là bùa hộ mệnh dưới sự che chở của Bắc đẩu tinh quân nên có đặc tính đuổi tà tránh tai ách cho người đeo.

Lại có đồng tiền cho đứa trè tuổi Tuất đeo cầu cho nó sống lâu khỏe mạnh thì ta thấy hình một con chó, hơi chó thở ra hình bà Ma Cô. Bà này vốn là nữ tiên của bà Tây Vương Mẫu, thường gánh trên đòn gánh tre cái thúng đựng một hài nhi và một trái đào tiên. Tay bày ẩm một chén thuốc lớn bốc khói thành chữ Trường sinh bất lão. Trên mặt đất có hình con hạc tượng trưng cho trường thọ.

Các hình vẽ thông thưởng trên tiền chúc nguyện là hình Thập nhị chi với 12 con giáp, hình Bát quái. Bát Quái tiên thiên vốn do Phục Hi chép lại theo hình mu rùa vào thời thượng cổ thời đại của Trung Hoa với tám quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly , Khôn, Đoài tương ứng với các quyền lực của vũ trụ: Trời, Đất, Lửa, Gió, Nước, Sấm v.v…

Theo lệ thường, người nào tuổi con giáp gò thì đeo tiền bùa con giáp đó, kèm theo vị sao bản mệnh gọi là Tinh Quan. Chẳng hạn như những tiền : Dậu sinh, Tỵ sinh, … với mặt kia vẽ hình Tinh Quan bản mệnh và hình con giáp tương ứng ( gà, rắn….)

Các hình Thái Thượng Lão Quân và Trương Tiên Sư đôi khi khắc chung với những chữ bùa:

_ Chẳng hạn hình Trương Tiên Sư cầm phất trần với một mặt có mấy chữ: Chư Thần Hồi Tỵ ( Các thần hãy né tránh đi) và mặt kia thì có chữ : Thiên vô kỵ, Địa vô kỵ, Âm Dương vô kỵ, hựu vô cấm kỵ ( trời chẳng kiên, đất chẳng kiêng, Âm Dương chẳng nễ, hoàn toàn chẳng có gì đáng sợ)

_ hoặc hình Thái Thượng Lão Quân ra lịnh Lôi Công sấm sét đánh tan ma quỉ với 2 chữ Luật lệnh.

Ảnh hưởng của Phật giáo đã thể hiện rõ ràng trên những tiền bùa, chẳng hạn như đồng tiền Minh Chú ở mặt kia in sáu chữ: Án Ma Ni Bát Chú Hồng phiên âm từ câu chú chữ Phạn là om mani padme hum mà ta quen nói là Úm ba la! Có nghĩa là Ngọc quí trong đóa hoa sen!

Chú có nhiều nghĩa: 1) Lời nguyền rủa 2) Thần chú 3) chúc nguyện (theo kinh phần). Viết theo chữ Nho, chữ Chú được viết với hai chữ khẩu trên chữ Thù là cái gậy phép, hai miệng tức là miệng của pháp sư và miệng của người xin chúc nguyện. Phật giáo Mật tông rất chú trọng về Chú.

Trên tiền bùa, đôi khi ta thấy ảnh hưởng song hành của Đạo giáo và Phật giáo như đồng tiền chúc thọ cho một người tuổi Tuất: một mặt in chữ: Thiên thu vạn tuế, mặt kia in : Thần sao bản mệnh hình con chó kèm theo chữ Bổn Mệnh tinh quan, hương hoa cúng dường.

Về hình thể của các tiền bùa thì đại đa số hình tròn trong có lỗ vuông, lấy ý Trời tròn Đất vuông. Nhưng có vài đồng có lỗ tròn với đôi khi có thể mang hình tròn cạnh có núi, hoặc hình tròn trên có thêm một cái chop soi lỗ để đeo, hoặc để gắn vào ngăn kéo để dễ kéo ra mà mở (drawer handle). Lại có đồng tiền có hình hồ lô, hay hình thẻ bài vuông.

Những tiền trên là những thứ bùa cầu hên chúc phúc. Đôi khi các sưu tập gia có thể gặp được ở Trung Hoa hay các xứ Đông Nam Á những mẫu tiền bùa trang trí (open work amulet coin), phần lớn in đủ loại hình trang trí mỹ thuật kiểu cách mang ý nghĩa tốt lành như Lưỡng long lộng châu, Song lộc, Lưỡng ngư hóa mẫu đơn. Ngoài ra, còn có loại tiền bùa in hình ngựa gọi là Mã Tiền và hình Tượng kỳ gọi là Kỳ Tiền.

- Về Mã tiền: thường in hình các loại ngựa hay và quí chạy như bay như Cự Hoàng, Phi Hoàng, Hoa Lưu, Tân Tướng, Bặc Khởi, Xích Thố, Ban Như, Thiên Lý, Long Câu.

- Về Kỳ Tiền: thường in hình các con cở trên bàn cờ tướng như tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt.

Ở trên, chúng ta vửa duyệt qua các thông điệp chúc nguyện bằng những hình biểu tượng. Bây giờ, xin quí bạn đi vào các thông điệp chúc nguyện bằng ngôn từ văn tự trên mặt các tiền bùa. Chữ viết phần lớn viết theo lối khải, phần nhỏ viết theo lối triện và hiếm khi bằng chữ bùa.

Những câu chúc phúc trong văn chương Hán tự rất nhiều, nhưng đại khái đều theo một khuôn sáo nhắm vào điều phúc lợi mà con người thường ước nguyện đạt tới. Những câu này có thể dùng trong mọi trường hợp giao tế xã hội như chúc thọ, chúc sinh nhật, hôn lễ, thăng quan tiến chức v.v… phân loại đại thể như sau:

_ Chúc sinh nhật và chúc thọ đặc biệt cho nhà vua thì dùng những chữ câu: Thiên tử vạn niên, Miếu trạch bình an, Thiên hạ thái bình

_ Chúc sự an lành cho mọi trường hợp: Khu tà tị ác, Khu tà giáng phúc, Vạn đại vĩnh diệt, Vĩnh bảo khang ninh, Hải an hà thanh, Đại kiết tường, Quan sát khai thông, Thần hổ thượng phù tiên quỉ.

_ Chúc tổng quát về thịnh vượng, hưng phấn về sức khỏe, giàu sang, quan tước: Ngũ phúc cụ bị ( có đủ 5 điều Phúc là Thọ, Phú, Khang, Ninh, du háo đức, khảo chung mệnh; riêng về khảo chung mệnh là chết già tự nhiên không đau yếu gì cà); Tam đa vĩnh triệu ( vĩnh viễn hưởng Phúc, Lộc, Thọ); Hoàng kim vạn lượng; Nhựt nhựt sinh tài; Kim ngọc mãn đấu ; Miên lưu thông bửu ( tiền chảy vô như nước); Trường phát kỳ tường; Thiên tứ kim tiền; Thiên quan tứ phước v.v…

_ Chúc thọ (thì luôn luôn có chúc phúc lộc vì sống lâu mà nghèo thì vô vị!): Thọ thiêm phúc lộc; Phúc thọ tề bị; Phúc thọ song toàn; (Mà có thọ và phúc thì có cho thật nhiều nên mới có câu sau:

Phúc như đông hải, Thọ tỉ nam sơn)

_Chúc quan tước thì phải chúc ngon lành như sau: Lộc vị cao thăng; Phẩm trọng lan đài (Chức lớn nhà sang); Nhất phẩm bách linh ( làm quan đầu triều cho đến 100 tuổi!)

_ Chúc về hôn nhân và gia đình hòa họp: Song phụng nghi đình; Long phụng phi chú; Phượng hoàng minh hòa; Hòa hợp tâm đồng.

_ Chúc mừng thi đậu và sớm sinh con thông minh: Trạng nguyên cập đệ tảo sinh quí tử

_ Chúc tất cả 5 con đều thi đậu: Ngũ tử đăng khoa

Trở về Việt Nam thì loại tiền chúc phúc có lẽ khá nhiều vào triều nhà Nguyễn kể từ thời vua Minh Mạng trở về sau. Loại tiền này không lưu hành tiêu dùng nhưng đúc ra để ban thưởng mà dân sưu tập tiền quen gọi là “tiền thướng” hay còn gọi là tiền “Mỹ hiệu”. Trong loại này, có loại tiền Bát Bửu (Lưu ý: hình Bát bửu của đồng tiền nhà Nguyễn không nhất thiết giống hệ thống Bát Bửu của Trung hoa mà phản ảnh về Lão giáo và Phật giáo). Ngoài tiền Bát bửu, có những tiền vàng với nhiều tên như Ngũ tinh, Ngũ Bảo, Thất tinh, Tam Đa, Phi long, Long vân… mà nhà vua với tư cách là thay trời trị dân hay “Thế thiên hành đạo” ban ra những lời chúc nguyện cho các thần dân như:

_ Chúc sống lâu thì có những đồng tiền với những chữ sau: Vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế thọ; Nhất nhân hữu thọ, vạn thọ vô cương; Du cửu vô cương; Thọ khảo vạn niên; Vạn thọ du tạc; Vãn thọ du đồng v.v…

_ Chúc các điều hạnh phúc ấm no, nhiều con, nhiều của thì có những chữ sau: Hiền thân lạc lợi; Hà lưu thuận quí; niên cốc phong đăng; Phú tho đa nam; Đắc vị, đắc lộc, đắc danh, đắc thô; Gia cấp nhân túc v.v…

Một điểm đặc biệt là vua Minh Mạng vẫn tôn sùng Khổng Mạnh nên trong đường lối cai trị thần dân luôn luôn đứng vào địa vị “ Dân chi phụ mẫu” để khuyến khích con dân. Do đó, bên cạnh những lời chúc phúc tho, nhà vua không quên những lời huấn dụ dưới hình thức các khẩu hiệu chúc nguyện cho toàn thể quốc gia dân tộc trên những đồng tiền đúc ra. Ta có thể kể ra những lời chúc nguyện loại này như sau:

Đế đức quảng vận; Liêm phúc tích dân; Tứ phương vi tắc; Tứ hải cọng chi, vạn thế truyền chi;

Thân thân, trường trường, lão lão, ấu ấu; Dụ quốc lợi dân; Quốc phú binh cường, nội an ngoại tĩnh v.v…

Nhìn chung, những đồng tiền bùa là những “tín vật” phổ cập đến đại đa số quần chúng dưới hình thức những vật mỹ thuật bằng kim khí mà người ta ai cũng giữ lâu không hư nát chất chứa những thông điệp hàm xúc tốt lành cô đọng. Giá trị và công hiệu của những tín vật trên đương niên dựa vào ý niệm căn bản là chữ Tín là yếu tố tiên quyết cho mọi nguồn tôn giáo.

Người Tàu và Ta thường có thái độ trân trọng đối với những thứ tín vật này mà họ gìn giữ cẩn thận coi như bổn mạng hay của gia bảo, chứ không như là một vật kỷ niệm thông thường. Người gìn giữ tín vật thường nuôi trong tâm thức của mình một niềm tin tưởng hay một kỳ vọng nào đó.

Con người của đầu thế kỳ 21 có những hệ thống tư duy, tin tưởng của thời đại mới. Những hình thức bùa chú của thời đại xưa khó mà tác dụng trên tinh thần của con người thời nay vì thiếu mắc xích Cảm và Ứng! Trong cuốn Vân đài loại ngữ, học giả Lê quí Đôn có bàn về mắc xích này như sau: Kinh Dịch nói: “Thần đạo không tác động gì, không nghĩ ngợi gì, im lặng không động, có cảm mới thông” Việc thiên hạ nếu không có cảm sao có ứng! Vấn đề tin vào bói toán tữ vi cũng vậy dựa vào nguyên tắc Cảm Ứng ví như cái gương không soi thì không thấy gì. Do đó, những vật huyền bí như bùa chú thành những tín vật trong những tâm hồn có những tần số “mẫn cảm” đối với chúng để khởi phát ra một sự ứng nghiệm mà thôi.
LÊ VĂN LÂN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites